Elden Ring | Đánh giá game

Elden Ring là game hành động nhập vai đầy thử thách của cùng nhà phát triển dòng game Soulsborne. Thế nhưng, thay cho màn chơi có phần tuyến tính là thiết kế thế giới mở rộng lớn. Trong đó ẩn chứa nhiều bí ẩn và phần thưởng, tất nhiên cả những thử thách đang chờ bạn khám phá và đối mặt. Kỳ thực, sự điều chỉnh trong công thức gameplay quen thuộc này mang đến trải nghiệm dễ tiếp cận hơn cho người chơi mới. Mặc dù vậy, độ khó đặc trưng khiến trải nghiệm game vẫn không dành cho số đông, nhất là những ai thiếu kiên nhẫn.

Ở góc độ người chơi, trải nghiệm Elden Ring ít thử thách hơn Sekiro: Shadows Die Twice rất nhiều. Đó là nhờ vào thiết kế thế giới mở rộng lớn, ẩn chứa rất nhiều thứ cho bạn khám phá. Không còn trải nghiệm tuyến tính với những con boss đầy thử thách chặn đường tiến của bạn, trải nghiệm game mở ra nhiều hướng tiếp cận hơn. Đó cũng là cảm giác tự do mà tựa game The Legend of Zelda: Breath of the Wild từng mang đến. Khác chăng chỉ là trải nghiệm chiến đấu thử thách hơn, từ những kẻ thù tưởng chừng vô hại đến boss “khủng” theo mọi nghĩa.

Đánh giá game Elden Ring

Kỳ thực, trải nghiệm game vẫn có những con boss theo cốt truyện, nhưng chúng không nhất thiết là trở ngại lớn nhất như dòng game Soulsborne cũng do FromSoftware phát triển. Bạn phải đối mặt với rất nhiều “kỳ đà cản mũi” khổng lồ trong trải nghiệm Elden Ring, nhưng người chơi có nhiều lựa chọn hơn để thui rèn kỹ năng chiến đấu và trang bị trước khi quay lại phục hận. Điều thú vị là thông qua trải nghiệm khám phá và luyện tính kiên nhẫn, bạn hầu như không nhận ra kỹ năng chiến đấu của nhân vật dần cải thiện như thế nào.

Người chơi bắt đầu cuộc phiêu lưu trong Elden Ring với phần tạo nhân vật. Nếu từng trải nghiệm các tựa game trong series Dark Souls, bạn dễ dàng nhận thấy các lớp nhân vật giữa hai trò chơi có nhiều điểm tương đồng nếu không nói là chỉ khác tên gọi. Lựa chọn lớp nhân vật tuy không quá quan trọng, nhưng gắn liền phong cách chiến đấu của nhân vật điều khiển ở thời điểm ban đầu. Chẳng hạn, bạn có thể làm pháp sư lắm tài nhiều tật với Astrologer hoặc mặc giáp oai vệ với khả năng chiến đấu cận chiến dũng mãnh của Samurai.

Đơn cử như người viết ban đầu chọn Hero nhưng càng khám phá thế giới rộng lớn trong Elden Ring, tôi có cảm giác trải nghiệm chiến đấu có nhiều lợi thế với lớp nhân vật tầm xa như Astrologer hơn. Dù việc chơi lại từ đầu là quyết định khá khó khăn, nhưng đó kỳ thực là lựa chọn đúng với lối chơi chậm mà chắc của người viết. Nói vậy không đồng nghĩa nó cũng áp dụng với bạn. Nếu đây là lần đầu đến với dòng game Soulsborne, bạn nên dành vài tiếng đầu thử nghiệm để tìm lớp nhân vật chân ái của lối chơi cá nhân nhất.

Bởi lẽ, chiến đấu khá quan trọng trong trải nghiệm Elden Ring vì mức độ thử thách không phải dạng vừa đâu. Ngay cả khi người chơi cẩn thận đến đâu, mọi trận đụng độ dù nhỏ cũng đều như canh bạc may rủi. Cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào khi bạn chơi tay bo với kẻ thù, dù đó chỉ là một con sói xấu xí hay bộ xương di động thoạt nhìn rất vô hại. Nếu không vì người chơi không biết tự lượng sức mình thì cũng do vài vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ của game. Chẳng hạn độ trễ khi thực hiện hành động lăn người né tránh.

Đánh giá game Elden Ring

Đây là vấn đề không chỉ riêng Elden Ring mà còn tồn tại trong các game Dark Souls, khiến người viết tin rằng nó là tính năng chứ không phải lỗi game. Độ trễ này cũng không liên quan đến chủ ý thiết kế tạo độ trễ tỷ lệ thuận với tổng cân nặng trang bị dựa trên chỉ số Endurance của nhân vật. Đáng nói, vấn đề nói trên xuất hiện trên tất cả nền tảng, nhưng mức độ nghiêm trọng dường như tùy thuộc vào cấu hình thiết bị chơi game. Chẳng hạn nó dễ nhận thấy trên các máy console cũ như Xbox One X và PS4 Pro hơn thế hệ mới.

Tương tự các game Dark Souls, tình trạng này cũng không xuất hiện khi nhân vật tấn công mà chỉ riêng hành động lăn tròn né tránh mới bị. Vấn đề này góp phần không nhỏ gây nên những cái chết oan uổng nhất là khi đánh boss. Khác với những kẻ thù thông thường, boss lúc nào cũng khổng lồ so với nhân vật chính. Tuy mang trên người giáp trụ vừa dày vừa nặng nề, nhưng chúng thường nhanh nhẹn một cách bất ngờ và khiến tôi vô cùng ức chế với những khoảnh khắc độ trễ kể trên tác động bất lợi cho người chơi khi giao chiến.

Tôi đồ rằng vấn đề này liên quan đến thiết kế điều khiển dùng chung nút bấm cho cả chạy và né tránh. Cụ thể, tùy vào thao tác nhấn và giữ nút bấm hay bấm rồi buông ra mà trò chơi quyết định hành động của nhân vật là chạy hay lăn tròn né tránh. Thiết lập trong game giữa Performance ưu tiên hiệu năng và Quality ưu tiên độ phân giải không khắc phục được vấn đề này. Đáng chú ý, tình trạng nói trên chỉ cải thiện tốt hơn khi người viết tắt HDR và thiết lập hệ thống cho console xuất hình 1080p thay vì độ phân giải cao nhất.

Thế nhưng, tắt HDR lại khiến hình ảnh nhìn khá nhợt nhạt và không tôn được nét đẹp của thiết kế thế giới mở đa dạng trong Elden Ring. Không những vậy, độ phân giải giảm trong thiết lập này cũng không giải quyết được vấn đề hiệu năng của trò chơi, nhất là trong những phân đoạn chiến đấu nhiều kẻ thù ở không gian mở. Tuy vấn đề hiệu năng không đến mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm, nhưng nó vẫn nhiều phen khiến người viết cảm thấy ức chế vì tốc độ khung hình sụt giảm làm trễ nhịp độ chiến đấu.

Đánh giá game Elden Ring

Ngược lại, xây dựng thế giới trong Elden Ring khá ấn tượng, không tạo cảm giác được thiết kế như một cách kéo dài thời lượng chơi do phải di chuyển giữa các địa điểm như phần lớn game khác trên thị trường. Đặc biệt, trò chơi không có diễn hoạt nhặt đồ luôn khiến người viết vô cùng ức chế khi trải nghiệm Dragon Age: Inquisition. Thậm chí, cưỡi ngựa cũng có thể loot đồ và di chuyển trên lưng ngựa thay vì đi bộ còn là điểm cộng đầy thú vị so với series game Dark Souls. Thiết kế thế giới xuất sắc luôn khuyến khích người chơi khám phá.

Rất hiếm trường hợp người viết phải di chuyển quá lâu mà không có thứ gì để “táy máy”. Đó có thể là hang động hay hầm ngục quyến rũ bạn xưng bá, nếu không thì cũng là mini boss hay bãi hạ trại với những món vật phẩm cần thiết cho trải nghiệm chiến đấu. Mỗi địa điểm khám phá mới đều có rất nhiều thứ để làm. Nếu không mở rộng, thu thập bản đồ cho mục đích khám phá và chiến đấu thì cũng để mở các Site of Grace, vừa là điểm save game vừa là điểm dịch chuyển nhanh. Bạn có thể dịch chuyển nhanh đến những Site of Grace gần như từ bất kỳ đâu.

Tương tự Bonfire trong series Dark Souls, các Site of Grace cũng là nơi để bạn hồi sinh sau khi đại bại dưới tay kẻ thù và hơn thế nữa. Người chơi có thể tùy biến Flask dùng để hồi HP và FP cũng như thăng cấp cho nhân vật tại đây. Bên cạnh đó, Elden Ring còn có thêm các điểm checkpoint gọi là Stakes of Marika. Tuy những bức tượng này không có sứ mệnh gì khác ngoài làm điểm hồi sinh, nhưng nó giúp việc di chuyển giữa các Site of Grace đỡ mất thời gian hơn. Điều này đặc biệt đúng khi vị trí boss thường khá xa Site of Grace.

Đánh giá game Elden Ring

Khác với các game Dark Souls yêu cầu thao tác nhiều bước phiền phức mới có thể nhảy, Elden Ring có hẳn nút bấm dành riêng cho hành động này. Thậm chí, nhân vật điều khiển cũng có thể tấn công khi nhảy và chiêu này vô cùng hữu dụng để phá thăng bằng (poise) của kẻ thù, góp phần giúp người chơi dễ dàng hạ gục nhanh tiêu diệt gọn chúng hơn. Bạn cũng có thể vừa đỡ vừa phản đòn (Guard Counter) kẻ thù cho mục đích tương tự, mang đến trải nghiệm chiến đấu khác biệt với mỗi loại vũ khí và tăng thêm giá trị chơi lại cho game.

Cảm giác khi Guard Counter thành công đòn tấn công kẻ thù rất khó tả và vô cùng thỏa mãn. Khía cạnh khám phá cũng vậy. Nhờ thiết kế thế giới mở, nhân vật có thể tự do di chuyển giữa các địa điểm khác nhau, gần như không có hạn chế nào ngoài máu liều của người chơi. Chiến đấu cũng không hề ngoại lệ. Kỳ thực, nhờ chịu khó khám phá mà tôi vô tình lượm được “bí kíp”, khiến việc tiêu diệt con boss đầu tiên theo cốt truyện rất dễ dàng. Người viết chẳng cần làm gì ngoài chạy ra xa và đứng nhìn boss đại bại trong tức tưởi vì… mất máu.

Ở góc độ người chơi, hệ thống tùy biến nhân vật trong Elden Ring vay mượn nhiều cơ chế quen thuộc từ series game Dark Souls nhưng được cải tiến tốt hơn. Đơn cử hệ thống Ashes of War tương tự Weapon Art trong Dark Souls III nhưng linh hoạt hơn. Người chơi có thể “chạm khắc” các thuộc tính bất lợi vào vũ khí, tạo tuyệt kỹ hoặc hiệu ứng vào đòn đánh thay vì yếu tố này cố định vào mỗi vũ khí như trước đây. Bạn cũng có thể thiết lập ba bộ trang bị khác nhau để chuyển đổi nhanh bất kỳ lúc nào, vô cùng hữu dụng cho mọi tình huống chinh chiến.

Đặc biệt, Elden Ring có thêm cơ chế mới có khả năng trợ chiến vô cùng “quyến rũ” thông qua triệu hồi hồn ma bóng quế (Spirit Ash). Thậm chí, người chơi còn có thể “nâng cấp” các NPC tâm linh này mạnh hơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ phụ trong game. Tuy nhiên, do đặc trưng trải nghiệm không có tính cầm tay chỉ việc và khuyến khích người chơi tự khám phá theo cách mà bạn muốn, người viết xin phép không hé lộ nhiều hơn những thông tin trên. Có như vậy, trải nghiệm mới bất ngờ và thử thách đúng như chủ ý thiết kế của nhà phát triển.

Đánh giá game Elden Ring

Sau cuối, Elden Ring mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá đặc sắc nhưng chưa được tối ưu tốt về hiệu năng. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là thiết kế thế giới mở nhiều bí mật, phủ đầy nội dung khuyến khích bạn khám phá để mang đến trải nghiệm tốt hơn. Điểm trừ muôn thuở vẫn là độ khó cao đến ức chế khiến trò chơi khó lòng dành cho số đông, nhất là với những người chơi thiếu kiên nhẫn. Nếu không ngại thử thách, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn.

Elden Ring hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.

ELDEN RING
ELDEN RING

Developer:
FromSoftware Inc.

Price:
$ 59.99

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số
 
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

XEM THÊM >>>>>>> https://tanthienlongmobile.net/

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *