Tunic | Đánh giá game

Tunic là trải nghiệm phiêu lưu hành động vô cùng quyến rũ với đồ họa tuyệt đẹp nhiều màu sắc, gợi nhớ đến The Legend of Zelda: Link’s Awakening kinh điển ở nhiều khía cạnh. Không những vậy, trò chơi còn được thổi hồn bằng nhạc nền dịu êm và tạo hình nhân vật chính nhìn cưng xỉu. Thế nhưng, đằng sau tất cả sự đáng yêu đó là trải nghiệm game vô cùng thử thách. Từ các câu đố phức tạp cho tới những trận chiến mang nhiều cảm giác soulslike, trò chơi luôn đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian tự khám phá nhưng rất dễ lạc lối.

Trải nghiệm Tunic mang nhiều cảm hứng thú vị từ thiết kế những tựa game kinh điển ngày xưa. Trò chơi không hé lộ cho bạn biết bất cứ thứ gì từ bối cảnh đến cốt truyện. Mọi thứ diễn ra bất ngờ và không có lý giải. Trải nghiệm bắt đầu với nhân vật bé cáo trong tình trạng “tôi là ai, đây là đâu” đầy bí ẩn. Thậm chí, bạn cũng không thể hiểu được ngôn ngữ sử dụng trong trò chơi. Tương tự, phần hướng dẫn cơ chế gameplay cơ bản được chỉ dẫn thông qua những trang sách mà bạn thu thập trong suốt trải nghiệm game.

Đánh giá game Tunic

Đáng chú ý, chữ viết trong các trang sách này là thứ ngôn ngữ trừu tượng do nhà phát triển tự nghĩ ra. Thiết kế của chúng gợi nhớ đến quyển sách hướng dẫn vừa có hình vừa đầy chữ, luôn đi kèm với những bộ băng game gốc từ thời NES cho tới Nintendo 64 ngày xưa từng khiến người viết phát cuồng. Điều quan trọng là bạn phải tự giải mã nội dung dựa trên những hình ảnh trong từng trang sách. Về sau nhân vật chính mới dần đọc được thứ ngôn ngữ kỳ lạ này, từ đó giúp người chơi bổ sung những mảnh thông tin còn mù mờ trước đó.

Về cơ bản, trải nghiệm Tunic mang nhiều màu sắc metroidvania trong thiết kế, đòi hỏi người chơi phải thu thập công cụ và kỹ năng cần thiết để tiếp cận khu vực nhất định. Điều thú vị là hầu hết các địa danh đều có thể khám phá ngay từ đầu nếu bạn đủ kiên nhẫn, cẩn thận và một chút may mắn. Đơn cử khu hầm mộ Dark Tomb nằm ẩn mình trước dưới dãy núi ở đầu trải nghiệm, với không gian tối đen như mực cùng vô số kẻ thù và cạm bẫy ẩn mình chờ xin bạn tí huyết. Khi chưa có đèn chiếu sáng thì khám phá nơi này gần như nhiệm vụ bất khả thi.

Kỳ thực, đừng nhìn mặt mà bắt hình dong từ phong cách đồ họa dễ thương của trò chơi. Tunic là trải nghiệm soulslike với nhiều cơ chế gameplay không lẫn vào đâu được. Từ những bức tượng kỳ lạ “hoàn trả” số bình dược hồi máu và phép thuật khi tương tác, cho tới hành động này đồng thời hồi sinh kẻ thù mọi nơi. Người chơi cũng mất tiền khi để nhân vật thiệt mạng và cách duy nhất để thu hồi tài sản là quay trở lại đúng nơi mộ đã xanh cỏ của bé cáo nhân vật chính. Đáng nói, tiền đóng vai trò rất quan trọng trong trải nghiệm game.

Đánh giá game Tunic

Người chơi không chỉ dùng tiền để mua các vật phẩm hỗ trợ cần thiết cho cuộc phiêu lưu của bé cáo, bạn còn cần rất nhiều tiền để thăng cấp cho nhân vật. Người chơi cũng có thể dùng vật phẩm làm công cụ chiến đấu, chẳng hạn quăng bom hay thuốc nổ vào kẻ thù. Tuy nhiên khác với The Serpent Rogue, trải nghiệm chiến đấu chủ yếu dùng đến vũ khí trên tay bé cáo hơn là những vật phẩm trợ chiến kể trên, nhất là khi đánh boss. Phần lớn kẻ thù đều mang tạo hình rất dễ thương nhưng chẳng bao giờ nhẹ tay khi đối mặt với nhân vật chính.

Chúng cũng được xây dựng hình ảnh khá đa dạng dù đôi lúc chỉ là thay đổi các tiểu tiết, giúp người chơi dễ dàng phân biệt từng loại kẻ thù khi đụng độ. Sự đa dạng còn thể hiện ở mỗi loại kẻ thù đều cần đến chiến thuật riêng để giành chiến thắng. Chiến đấu trong Tunic đòi hỏi bạn phải canh khoảnh khắc vung kiếm và để mắt tới thanh thể lực khi lăn tròn né tránh đòn tấn công của kẻ thù. Bé cáo tuy không hao thể lực khi ra đòn nhưng né tránh rất mất sức, nhất là thời điểm đầu trải nghiệm bạn chỉ có thể lăn tròn 3 lần liên tục.

Hào hứng không kém là những trận đánh boss. Chúng không những mang tạo hình khổng lồ khác thường mà trận nào cũng gây nhiều thương nhớ cho người viết. Những trận đại chiến này thường đòi hỏi bạn sự kiên nhẫn không hề nhỏ, vừa quan sát hành tung của boss vừa lập chiến thuật tương kế tựu kế, canh những khoảnh khắc sơ suất hoặc “ngáo đá” của chúng mà ăn hôi vài nhát tấn công. Tôi chỉ thấy hơi bức xúc khi quãng đường từ điểm save game gần nhất đến boss thường không hề ngắn, lại còn đi kèm nhiều kẻ thù chặn đường “xin tí huyết” bé cáo trước trận chiến.

Đánh giá game Tunic

Ở góc độ người chơi, vấn đề lớn nhất của Tunic cũng tương tự Serpent Rogue: không cung cấp những hướng dẫn rõ ràng giúp người chơi hiểu rõ các cơ chế gameplay và càng không có tính cầm tay chỉ việc. Thiết kế này tuy khuyến khích người chơi dành nhiều thời gian khám phá thế giới game, nhưng cũng gây nên những tác dụng phụ không mong muốn khác. Đơn cử người viết trong quá trình khám phá, vô tình đụng độ con boss đầu tiên khi nhân vật chưa đủ khả năng chinh chiến, thậm chí còn chưa học được phép thuật nào nên rất vất vả mới thắng được nó.

Mãi về sau tôi mới nhận ra điều này khi thu thập được trang sách hướng dẫn bí ẩn, trong đó có những thông tin đề cập đến con boss kể trên với nhiều ghi chú quan trọng nhưng không còn cần nữa. Không những thế, Tunic cũng không có thông tin về nhiệm vụ hay bất kỳ gợi ý phải đi đâu hay làm gì. Trò chơi để mặc bạn tự tìm hiểu và khám phá, khiến trải nghiệm game mang nhiều cảm giác hardcore hơn. Đã vậy thế giới game có rất nhiều lối tắt và bí mật, đến mức tìm mọi ngóc ngách mà thiếu chút may mắn cũng khó phát hiện sự tồn tại của chúng.

Tuy nhiên, đó không phải vấn đề duy nhất của Tunic. Một điểm trừ gây ức chế mà tôi không thể không đề cập là bạn chỉ được gán tối đa ba nút tắt cho nhân vật chính. Đáng nói, một trong số đó phải để dành cho vũ khí cận chiến vì lý do quá hiển nhiên. Tính ra người chơi chỉ còn hai nút tắt cho vật phẩm hỗ trợ và phép thuật, nói đơn giản là quá ít. Trong khi đó, thiết kế giao diện thiếu trực quan và rườm rà cộng với game không tạm dừng khi truy cập menu, khiến bạn khó lòng thay đổi vật phẩm hỗ trợ và phép thuật khi đang chiến đấu.

Đánh giá game Tunic

Sau cuối, Tunic mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động đặc sắc và không kém phần thử thách nhưng không dành cho số đông. Mặc dù lấy cảm hứng từ nhiều cái tên kinh điển trong thiết kế, nhưng đứa con tinh thần của nhà phát triển Tunic Team khá thành công trong việc xây dựng dấu ấn riêng đầy quyến rũ. Nếu không ngại tìm tòi khám phá cũng như thử thách, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn và ngược lại.

Tunic hiện có cho PC (Windows, macOS), Xbox Series X và Xbox One.

TUNIC
TUNIC

Developer:
TUNIC Team

Price:
$ 29.99


Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số
 
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!


XEM THÊM >>>>>>> https://tanthienlongmobile.net/

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *