Prinny Presents NIS Classics Volume 1

Prinny Presents NIS Classics Volume 1 là bộ sưu tầm gồm hai game nhập vai chiến thuật vô cùng kinh điển từ thời hoàng kim của PlayStation 2. Cả hai đều là di sản của nhà phát triển Nippon Ichi Software trong hơn 15 năm qua, nổi bật với cơ chế gameplay đầy sáng tạo và cốt truyện có phần trái ngược nhau. Trong khi Phanton Brave có câu chuyện kể cảm động và hệ thống chiến đấu rất có chiều sâu, Soul Nomad & the World Eaters lại đặt nặng vào yếu tố kể chuyện cùng hệ thống chiến đấu thiên về hành động hơn.

Phantom Brave trong Prinny Presents NIS Classics Volume 1 là bản remaster của Phantom Brave: The Hermuda Triangle. Đây là phiên bản được đặc chế cho hệ máy chơi game cầm tay PlayStation Portable và bổ sung nhẹ nội dung so với nguyên bản PlayStation 2. Tuy nhiên, bản remaster này không có các nội dung mới từ bản làm lại We Meet Again cho Wii lẫn bản hoàn chỉnh nhất phát hành cho PC. Quyết định của nhà phát triển khiến tôi cảm thấy hơi khó hiểu, nhất là khi bản PC và bản làm lại cho hệ máy Wii ưu việt hơn về lượng nội dung.

Đánh giá game Prinny Presents NIS Classics Volume 1

Phantom Brave: The Hermuda Triangle đưa người chơi đến với Marona mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cô bé sống tại Phantom Isle và làm bạn cùng người cõi âm Ash. Marona không giống mọi người vì có khả năng ngoại cảm, có thể thấy và tương tác với ‘phantom’ nhờ vào năng lực đặc biệt Chartreuse Gale. Không chỉ vậy, nhân vật này còn có thể gắn kết hồn ma vào những vật thể khác nhau nhằm hỗ trợ cô bé trong chiến đấu. Khởi đầu chỉ là chuyến đi liên quan đến vấn đề tài chính nhưng lại bất ngờ trở thành hành trình giải cứu thế giới nhiều cảm xúc.

Ở thời điểm phát hành ban đầu, Phantom Brave từng khiến người viết ấn tượng với cơ chế chiến đấu cho phép bạn tận dụng yếu tố môi trường gây thương nhớ đến kẻ thù lẫn hồi máu cho quân ta. Một số nhân vật còn có khả năng sử dụng đồ vật từ môi trường màn chơi tạo sát thương khủng cho kẻ thù đơn lẻ, thậm chí gây tác động trên diện rộng nhưng đổi lại là mỗi kẻ thù nhận sát thương thấp hơn. Tận dụng cơ chế nói trên giúp trận chiến trở nên vô cùng thỏa mãn, giảm thiểu cơ hội kẻ thù tấn công party của người chơi khi đến lượt đánh của chúng.

Tâm điểm của hệ thống chiến đấu trong Phantom Brave là cơ chế triệu hồi các phantom. Bạn chỉ có thể triệu hồi những hồn ma đồng đội này trong số lượt nhất định khi chiến đấu. Chính vì vậy mà thời điểm và vị trí triệu hồi phantom cũng đóng vai trò khá quan trọng trong chiến trận. Gọi ra quá sớm hoặc quá xa dễ khiến bạn bỏ phí nhiều lượt của phantom cho việc di chuyển trên chiến trường, dẫn đến viễn cảnh không mấy tươi đẹp. Đó là chưa kể trải nghiệm game ban đầu khá thử thách, gần như không tránh khỏi việc cày cuốc.

Đánh giá game Prinny Presents NIS Classics Volume 1

Ngược lại, Soul Nomad & the World Eaters xây dựng câu chuyện kể kịch tính và hài hước hơn. Trò chơi lấy bối cảnh lục địa Prodesto sau những lần loạn lạc và yên bình, “thần chết tối cao” Gig đem ba sinh vật World Eater khổng lồ đến tàn phá lục địa và tiêu diệt các quốc gia. Giữa bờ vực hủy diệt, một vị anh hùng đã dùng toàn bộ binh lực cho cuộc chiến một mất một còn với Gig. Kết quả là cả hai cùng thiệt mạng, lũ World Eater vô chủ trở nên bất hoạt và vô hại. Trải nghiệm của người chơi bắt đầu vào thời điểm 200 năm sau.

Hệ thống chiến đấu trong Soul Nomad & the World Eaters tương tự Phantom Brave khi diễn ra trên bàn cờ chia ô. Người chơi điều khiển các squad chiến đấu. Mỗi squad có từ một nhân vật trở lên và chỉ có thể thực hiện một hành động như tấn công, tấn công bằng tuyệt kỹ v.v… Đáng chú ý, bạn có thể gọi thêm squad trước khi vào trận chiến nếu có đủ khả năng tài chính. Tuy nhiên, hệ thống chiến đấu của game không thỏa mãn và thiếu chiều sâu chiến thuật so với Phantom Brave. Người chơi chủ yếu điều squad di chuyển và tấn công giành chiến thắng.

Kỳ thực, trải nghiệm chiến đấu trong Soul Nomad & the World Eaters khá nhàm chán vì nặng cảm giác lặp lại. Cốt truyện game tuy hấp dẫn nhưng chưa đủ sức cuốn hút để bù đắp cho điểm trừ nói trên. Không những vậy, việc tùy biến squad cũng khá phiền và không tương xứng với công sức bỏ ra. Mỗi squad phải được chỉ định vào Room và yếu tố này hoàn toàn ngẫu nhiên. Từ đội hình cho đến bonus, thậm chí số nhân vật trong một squad đều xoay quanh hai chữ ngẫu nhiên. Người chơi không có quyền quyết định và tùy biến squad như mong muốn.

Đánh giá game Prinny Presents NIS Classics Volume 1

Bạn chỉ có thể sắp xếp vị trí đứng của nhân vật trong room là đứng trước, đứng giữa và đứng cuối. Mỗi lớp nhân vật sẽ có kỹ năng tấn công khác nhau tùy vào vị trí đứng. Nói cách khác, yếu tố chiến thuật chỉ xoay quanh vị trí đứng của mỗi nhân vật. Thế nhưng trong trải nghiệm thực tế, người viết gần như không có lý do gì để thay đổi đội hình mà cứ thế tái sử dụng hết trận này đến trận khác. Lý do đơn giản là vì thiết kế game không tạo động lực để thay đổi khi đội hình cũ luôn chiến đấu hiệu quả. Chưa kể, việc thay đổi cũng rất tốn kém.

Đáng chú ý, vấn đề lớn nhất của Prinny Presents NIS Classics Volume 1 khá giống Prinny 1•2: Exploded and Reloaded: chất lượng hình ảnh khá xấu khi gắn dock. Phantom Brave: The Hermuda Triangle tuy được remaster hình ảnh, nhưng chỉ là upscale nhẹ nên nhìn hơi mờ khi chơi trên ti vi. Soul Nomad & the World Eaters chẳng khác gì chuyển nền, không có điều chỉnh gì về chất lượng hình ảnh so với nguyên bản. Từ chữ cho đến sprite nhân vật đều rất mờ trên ti vi. Trải nghiệm cả hai ở chế độ handheld máy Switch cho chất lượng hình ảnh tốt hơn.

Gọi là tốt hơn nhưng nó vẫn mang cảm giác cũ kỹ vì độ phân giải thấp khi so với tiêu chuẩn ngày nay. Đó là chưa nói đến camera trong Phantom Brave thường khiến tôi cảm thấy chóng mặt khi tương tác vào kẻ thù hay vật thể nhất định giữa đám đông. Không những vậy, cơ chế độc đáo xếp chồng nhân vật lên nhau trong trải nghiệm game nói trên cũng gây nhiều khó khăn khi tương tác với cần analog thiếu chính xác của máy Switch. Điểm trừ này đặc biệt không hề nhỏ khi so với bản PC sử dụng chuột và bàn phím rất dễ phân biệt giữa các nhân vật.

Đánh giá game Prinny Presents NIS Classics Volume 1

Sau cuối, Prinny Presents NIS Classics Volume 1 mang đến trải nghiệm nhập vai chiến thuật 2-trong-1 khá trái chiều tùy vào thiết bị hiển thị. Tuy cơ chế gameplay đã trải qua tận ba thế hệ console nhưng vẫn khá hấp dẫn và cuốn hút. Ngược lại, chất lượng hình ảnh lại là điểm trừ lớn nhất của bộ sưu tầm này, nhất là khi gắn dock kết nối ra ti vi lớn. Nếu bạn chủ yếu trải nghiệm ở chế độ handheld, đây kỳ thực vẫn là bộ sưu tầm vô cùng đáng cân nhắc.

Prinny Presents NIS Classics Volume 1 hiện chỉ có cho Nintendo Switch.

Nintendo eShop

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số
 
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

XEM THÊM >>>>>>> https://tanthienlongmobile.net/

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *