Ocean’s Heart – Đánh Giá Game

Ocean’s Heart – Trải qua hơn 30 năm phát triển và không ít lần thay da đổi thịt, The Legend of Zelda vẫn nằm chiễm chệ trong ngôi đền huyền thoại của chính mình, cùng với một vị thế mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng lấy làm mục tiêu để tiến tới.

Cùng với sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền công nghiệp trò chơi điện tử là phong cách “Zelda game” với ba đặc điểm rõ nét: hành động, giải đố, thế giới mở.

Từ “công thức thành công” có sẵn đó, không thiếu những tựa game ăn theo hoặc lấy cảm hứng từ The Legend of Zelda đơn cử như Genshin Impact, Rogue Heroes, Garden Story và mới đây, cũng là tiêu điểm của chúng ta: Ocean’s Heart.

Tuy nhiên, một huyền thoại đã hơn 30 cái xuân xanh thì cái bóng của nó cũng khổng lồ theo số tuổi, liệu một tựa game “sinh sau, đẻ muộn” như Ocean’s Heart có đem lại cảm giác tốt hơn một lão thành đã từng?

Nào, hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá chi tiết sau đây.

BẠN SẼ THÍCH

Một Thế Giới Sống Động!

Ocean’s Heart gợi lại những ký ức rõ ràng về những tựa game Zelda đầu tiên trên các hệ máy GameBoy và NES, nhất là hai cái tên: Link’s AwakeningA Link to the Past.

Thế nhưng, bạn sẽ thấy Ocean’s Heart giống một bản tri ân tới tuổi thơ hơn là một bản nhái tầm thường, qua việc cảm nhận nhà sản xuất đã tỉ mỉ như thế nào trong việc làm ra một đứa con tinh thần.

Cốt truyện của game khá cổ điển với mở đầu đậm chất JRPG đó là…”nhân vật chính ngủ dậy và bước xuống giường”.

Sau vài câu thoại trao đổi với cha và chị gái, Tilia (nhân vật chính của chúng ta) sẽ nhận nhiệm vụ tới hang động để lấy hàng cho gia đình.

Trải qua một cuộc chiến nhỏ (để bạn hiểu cơ chế game), Tilia quay lại làng nhưng bi kịch thay, trong lúc cô đi vắng thì làng của cô bị cướp biển tấn công, gia đình Tilia may mắn đoàn tụ nhưng một số người trong làng đã bị bọn cướp biển bắt cóc.

Cha của Tilia đã quyết định gia nhập đội cứu hộ nhưng sau 6 tháng chẳng có lấy một tin tức gì về những người bị bắt cóc, vì vậy cô gái nhỏ của chúng ta đã quyết định lên đường, đòi lại công bằng cho ngôi làng bé nhỏ.

Người viết khá là bất ngờ khi Ocean’s Heart không phải là một tựa game thế giới mở, bạn sẽ phải “mở khóa” các khu vực mới thông qua các nhiệm vụ.

Nhưng cũng đừng lo, tuy các khu vực không được mở khóa sẵn nhưng bạn có thể tự do quay lại các khu vực cũ, cũng như nhận lại các nhiệm vụ đã bỏ lỡ, với một tựa game độc lập thì sự tự do này vẫn tạm chấp nhận được.

Game cũng có một hệ thống nhiệm vụ phụ khá đa dạng, đủ để bạn bận rộn ít lâu trước khi tiếp tục nhiệm vụ cốt truyện, thông qua các nhiệm vụ phụ bạn sẽ biết được cuộc sống của người dân và thói quen của họ để làm manh mối tới các nhiệm vụ khác (vì game không có hướng dẫn).

Phần đồ họa trong game được chăm chút rất tốt với phong cách pixel thời thượng, màu sắc bắt mắt rực rỡ và một thế giới đầy sống động với hầu hết các NPC đều có thể tương tác và đưa cho bạn một nhiệm vụ bất ngờ.

Thế giới của Ocean’s Heart được xây dựng trên một hệ thống các hòn đảo biệt lập. Các hòn đảo sẽ được tự động điền vào bản đồ của bạn trong quá trình khám phá, còn các địa điểm sẽ được lấp đầy bằng cách nói chuyện với các nhân vật khác.

Ocean’s Heart giống một bản tri ân tới tuổi thơ hơn là một bản nhái tầm thường, qua việc cảm nhận nhà sản xuất đã tỉ mỉ như thế nào trong việc làm ra một đứa con tinh thần

Trong quá trình khai phá bản đồ, bạn sẽ hiểu thêm về cuộc sống của người dân và việc họ chán ghét bọn cướp biển như thế nào, việc tương tác với các nhân vật khác cũng đem lại đất diễn cho cô nàng Tilia.

Không như “thần tượng Zelda” của mình, Tilia có rất nhiều câu thoại, một cô bé can đảm gan dạ nhưng cũng không thiếu các tật xấu như lười biếng, dễ nổi nóng và bồng bột, về cơ bản, anh hùng nào cũng chỉ là người.

Hệ sinh thái của game cũng được chia một cách rõ ràng với các chủng loại quái vật đa dạng. Và để hạ gục những con quái vật đáng sợ bạn sẽ cần… bấm một nút thật đúng lúc.

Nếu bạn là một game thủ đã quen với các tựa game Roguelite, HacknSlash thì lối chơi của Ocean’s Heart rất tối giản và đề cao việc căn thời gian hơn là “phá hủy” tay cầm.

Cũng giống như các game Zelda cổ điển, hầu hết các lựa chọn của bạn sẽ gói gọn trong các phím cơ bản kèm với scroll (lăn) để né đòn.

Các cuộc chiến sẽ càng lúc càng phức tạp theo kiểu… đơn giản và bạn sẽ phải phụ thuộc vào hệ thống nâng cấp và chế tạo của game.

Bởi vì chỉ cần một nâng cấp nhỏ cũng sẽ đem lại rất nhiều khác biệt, thế nên đó là một cách thúc đẩy người chơi tiến lên nhưng không cần dùng quá nhiều cơ chế lằng nhằng.

Âm nhạc của game cũng được làm rất tốt, tuy có phần lặp lại nhưng rất phù hợp với môi trường và tương tác của game.

BẠN SẼ GHÉT

Chưa Có Màu Sắc Riêng…

Ocean’s Heart làm rất tốt trong việc đem lại một hồi ức cũ kỹ quay về nhưng nếu tách riêng phần hồi ức đó ra thì trò chơi lại khá nhạt nhòa.

Bạn sẽ không đọng lại một chút ký ức nào sau khi đã hoàn thành game ngoài trừ lời nhận xét “một bản sao Zelda xuất sắc”, nếu nhà sản xuất là một người hâm mộ Zelda thì đó là một lời khen nhưng với cương vị là một nhà sáng tạo thì nó giống lời mỉa mai hơn.

Game cũng khá ngắn (chỉ vỏn vẹn khoảng 20 giờ chơi nếu bạn chỉ làm nhiệm vụ cốt truyện) nên một số tính năng cũng mất đi đất diễn.

Đơn cử như hệ thống nấu ăn của game, bạn rất ít khi đụng tới nó vì chỉ cần ăn berries, thứ vốn dĩ rất thừa mứa là đã đủ cho một chuyến phiêu lưu.

Các thương nhân cũng từ đó mà… ế khách khi hầu hết các vật phẩm bán trong cửa hàng đều không có lý do để bạn sử dụng.

Các màn đấu trùm đem lại cảm giác mới mẻ và thử thách nhưng số lượng của chúng cũng không nhiều để cho vào làm một điểm cộng vì chỉ ở việc “ít” thôi cũng là một điểm trừ to tướng rồi.

Game cũng thiếu vắng đi các câu đố, hầu hết đều chỉ loanh quanh ở việc di chuyển các thùng hàng và gạt các cần điều khiển.

Bạn sẽ không đọng lại một chút ký ức nào sau khi đã hoàn thành game ngoại trừ lời nhận xét “một bản sao Zelda xuất sắc”

Giao diện của game đẹp nhưng không hề trực quan, với việc hầu hết các tính năng đều phải làm thủ công.

Nhưng khi mọi tính năng đều phải thủ công thì ở phần bản đồ, với một tựa game đề cao tính phiêu lưu, khám phá thì tấm bản đồ tối giản và thiếu đi việc đánh dấu thủ công của Ocean’s Heart khiến bạn không thể nhớ được địa điểm nào đã từng đi qua và những nơi quan trọng bạn cần quay lại.

Một điểm trừ nữa là phông chữ của game quá khó nhìn, làm giảm trải nghiệm của bạn đi rất nhiều.

Có phiêu lưu, có chiều sâu và thừa sự thú vị, nhưng nếu game có thêm một chút nâng cấp sáng giá dành riêng cho mình thì có lẽ Ocean’s Heart đã có chỗ đứng tốt hơn trong tim người hâm mộ.

Ocean’s Heart làm rất tốt trong việc đem lại một hồi ức cũ kỹ quay về nhưng nếu tách riêng phần hồi ức đó ra thì trò chơi lại khá nhạt nhòa.”


XEM THÊM >>>>>>> https://tanthienlongmobile.net/

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *