Monark | Đánh giá game

Monark là game nhập vai sở hữu nhiều ý tưởng độc đáo khi kết hợp giữa hệ thống chiến đấu chiến thuật theo lượt tương tự XCOM, cộng với cốt truyện hết sức tăm tối mang đậm màu sắc visual novel và lồng ghép trong đó nhiều yếu tố kinh dị. Khía cạnh câu chuyện kể rất táo bạo khi khai thác nhiều đề tài ít được quan tâm trong cuộc sống, dù hậu quả luôn để lại nhiều nỗi đau. Tuy đội ngũ phát triển chưa thật sự khai thác hết tiềm năng của trò chơi vì nhiều lý do, nhưng không thể phủ nhận trải nghiệm game được thiết kế khá cân bằng.

Chào đón người chơi ở đầu trải nghiệm là bộ 15 câu hỏi trắc nghiệm tính cách để xây dựng bản ngã (EGO) cho nhân vật chính. Tùy vào kết quả trắc nghiệm mà thứ tự đánh boss và kết nạp thành viên trong party thay đổi tương ứng. Không những vậy, bạn còn thường xuyên gặp những câu hỏi trắc nghiệm tương tự từ các NPC để cải thiện chỉ số của nhân vật chính. Điều thú vị là mỗi lần hoàn thành câu trả lời, người chơi còn nhận lời giải thích rất chi tiết cho biết những lựa chọn đó liên quan thế nào đến tích cách của bạn.

Monark đưa người chơi nhập vai nam sinh mất trí nhớ, tỉnh dậy giữa học viện Shin Mikado đang trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập do trường lực bí ẩn xuất hiện. Tệ hơn, nhiều khuôn viên của trường bị bao phủ bởi lớp sương mù độc khiến mọi người phát điên. Không lâu sau đó, người chơi biết được lớp sương mù này liên quan đến những Pactbearer từng giao kết với quỷ để nhận siêu năng lực. Trọng trách của bạn vô cùng nặng nề khi không phải Pactbearer nào cũng là người xấu và mỗi người đều mang nỗi niềm riêng.

Cảm nhận đầu tiên khi người viết trải nghiệm Monark là đồ họa để lại cảm giác khá trái chiều, nếu không nói khá xấu so với tiêu chuẩn chung từ nhiều JRPG khác. Thiết kế môi trường gợi nhớ đến The Caligula Effect 2 với những gian phòng hao hao nhau, dù điều này phù hợp với bối cảnh trò chơi. Tạo hình các NPC nhìn khá chán, trông như phiên bản nâng cấp nhẹ từ các game nhập vai thời Nintendo 3DS vậy. Dàn nhân vật chính và phụ tuy được chăm chút hơn, nhưng cũng không để lại nhiều dấu ấn riêng so với những NPC kể trên.

Đánh giá game Monark

Trải nghiệm khám phá xoay quanh các khu vực khác nhau của học viện Shin Mikado, đưa người chơi gặp gỡ rất nhiều NPC mang khuôn mặt vô hồn cứ chỉ trích vai trò của bạn và nhờ cậy sự giúp đỡ của nhân vật chính. Trải nghiệm chiến đấu ở thế giới Otherworld cũng không khá hơn. Nếu không tính các loại boss, kẻ thù mà người chơi đối mặt đều có tạo hình bộ xương giống hệt nhau chỉ vài khác biệt nhỏ như chi, vũ khí, giáp ngực… Thiết kế hình dựng có tính sao chép ở quy mô trò chơi hoàn toàn trái ngược hình đại diện của các nhân vật.

Những hình artwork 2D này thể hiện nhân vật rất có chiều sâu. Từ biểu cảm đa dạng đến thiết kế hình ảnh rất có hồn, khiến người viết không biết nên xem Monark là game nhập vai hay visual novel. Cảm nhận này một phần còn do cách kể chuyện của trò chơi rất giống ‘tiểu thuyết trực quan’. Điển hình là thường buộc bạn phải xem liên tục các đoạn hội thoại hết lần này tới lần khác. Không hiếm trường hợp vừa mới trò chuyện trước đó, nhưng chỉ di chuyển vài chục bước tới địa điểm tương tác là nhân vật lại tiếp tục hội thoại và cứ thế.

Ngược lại, Monark sở hữu cốt truyện khá tăm tối, lồng ghép vào những phân đoạn khám phá và giải đố ở các khu vực bị sương mù bao phủ kể trên. Tuy khía cạnh giải đố khá thỏa mãn vì đòi hỏi bạn phải động não nhiều hơn các JRPG khác, yếu tố khám phá lại mau nhàm chán và nặng tính lặp lại. Vòng lặp gameplay thường xoay quanh tìm đường đến khu vực nhất định, hoàn thành giải đố để chuyển sang chiến đấu, phá vỡ lý tưởng (Ideal) của kẻ thù rồi quay về trò chuyện với party và cứ thế. Thế nhưng, mỗi khía cạnh trải nghiệm đều có vấn đề đáng bàn.

Cụ thể, khám phá thường liên quan đến giải đố dẫn đến chiến đấu. Phần lớn ý tưởng giải đố xoay quanh tương tác để mở khóa căn phòng hoặc tủ chứa đồ của NPC nhất định. Nó đòi hỏi người chơi phải thu thập thông tin, tìm chìa khóa hoặc mật mã nhằm giải quyết vấn đề của NPC. Ban đầu, yếu tố giải đố khá đơn giản nhưng càng về sau càng đánh đố, cộng thêm Monark không cung cấp bất kỳ gợi ý nào khiến nhiều lúc trải nghiệm rất ức chế. Có lẽ vì vậy mà cảm giác của người viết khi giải đố thành công lại rất thỏa mãn.

Đánh giá game Monark

Điểm cộng sáng nhất của Monark là hệ thống chiến đấu độc đáo và nhiều nét tương đồng với dòng game XCOM. Người chơi di chuyển party trong Otherworld và đối mặt với nhiều kẻ thù khác nhau. Những yếu tố quen thuộc của thể loại nhập vai chiến thuật đều áp dụng ở đây, chẳng hạn tấn công sau lưng gây sát thương cao hơn và khiến nhân vật không thể phản đòn (counter). Môi trường màn chơi có nhiều cạm bẫy gây tình trạng bất lợi cho phe ta và địch khi vô tình đi lướt qua nhau, đồng thời cũng có buff mang đến lợi thế cho đôi bên tận dụng.

Không những vậy, tùy vào cách sắp đặt thế trận mà người chơi có thể tận dụng sức mạnh đại đoàn kết vào chiến đấu. Chẳng hạn, các nhân vật có thể đồng loạt tấn công ngoài lượt đánh khi party đứng gần nhau và nhân vật khai chiến ở vị trí không thể bị kẻ thù phản đòn. Mỗi nhân vật đều có phong cách chiến đấu khác nhau thông qua cây kỹ năng Art và Authority. Về cơ bản, Art là đòn tấn công vật lý còn Authority là phép thuật, nhưng các kỹ năng công kích này rất nhiều điểm khác biệt so với những JRPG trên thị trường.

Phần lớn tuyệt kỹ Art khi thi triển đều phải đánh đổi bằng một ít HP của nhân vật. Tương tự, sử dụng Authority khiến thanh MAD tăng nhanh, vừa có tính rủi ro nhưng cũng vừa là lợi thế rất lớn khi lên ngưỡng 100%. Khi đó, nhân vật bị giảm chỉ số phòng thủ và tăng tất cả chỉ số còn loại. Tuy nhiên, nhân vật khi “điên loạn” sẽ tùy tiện tấn công ngẫu nhiên bất kể đồng đội hay kẻ thù nhưng không chỉ dừng ở đó. Người chơi chỉ có ba lượt đánh trước khi nhân vật bị vô hiệu hóa chờ hồi sinh. Đáng chú ý, nếu đó là nhân vật chính thì ‘game over’.

Tương phản với MAD là thanh Awake tăng dần mỗi khi nhân vật trúng đòn của kẻ thù hoặc sử dụng kỹ năng Resolve. Khi Awake đạt 100%, mọi chỉ số của nhân vật đều tăng trong thời gian nhất định và thanh MAD được “tẩy trắng”. Đặc biệt khi thanh Awake và MAD cùng đồng thời đạt 100%, nhân vật chuyển sang trạng thái Enlightened. Trạng thái này vừa tăng tất cả chỉ số của nhân vật, vừa cho phép bạn thi triển Art và Authority trong vòng ba lượt đánh mà không bị mất máu lẫn tăng thanh MAD như thông thường.

Đánh giá game Monark

Chưa dừng ở đó, hệ thống chiến đấu trong Monark còn ảo diệu hơn với kỹ năng Defer và Resonance, mang đến tính chiến thuật rất lớn khi buộc người chơi phải cân nhắc giữa tính rủi ro và hiệu quả nhận được. Về cơ bản, Defer cho phép nhân vật khác có thêm một lượt đánh, nhưng cái giá đánh đổi là nhân vật sử dụng kỹ năng này bị tăng thanh MAD. Độc đáo nhất là Resonance cho phép nhân vật chính chia sẻ kỹ năng và sinh mệnh với nhân vật khác, mang đến lợi thế rất lớn và không kém phần rủi ro trong chiến đấu.

Thú vị hơn hơn hết, nhân vật khác nói trên có thể là đồng đội trong party hoặc kẻ thù đều được. Kỳ thực, những cơ chế độc đáo kể trên biến trải nghiệm chiến đấu trong Monark vô cùng có chiều sâu và trở nên khó lường. Nó đòi hỏi người chơi phải vận dụng chiến thuật một cách sáng tạo để giành thắng lợi, nhất là khi phần lớn kẻ thù trong trận chiến luôn vượt party của người chơi vài cấp. Nếu không dùng tài thao lược và giữ nguyên lối chơi như các JRPG khác, trải nghiệm game có thể nặng cảm giác cày cuốc khó tránh khỏi.

Tùy vào cách mà bạn trải nghiệm, đó có thể là điểm trừ lớn nhất của trò chơi. Còn ở góc độ người chơi, Monark mang cảm giác hardcore trong thiết kế hệ thống chiến đấu. Mặc dù các cơ chế gameplay đều được giải thích nhưng khá sơ sài, cộng với khối lượng tutorial quá nhiều và thiếu những gợi ý cần thiết, dễ biến trải nghiệm game thành thảm họa. Điều này đặc biệt đúng với những người chơi nhanh nhảu đoảng và thiếu kiên nhẫn. Phần trình bày cũng là điểm trừ nhỏ của trò chơi vì nhân vật thiếu thần thái trong hình dựng 3D.

Trái ngược với điểm trừ nói trên là phần artwork 2D được vẽ khá xuất sắc với biểu cảm các nhân vật đa dạng khi hội thoại. Thậm chí, nếu nhà phát triển Lancarse thiết kế biểu cảm các nhân vật trong tạo hình 3D phong phú dù chỉ bằng 1/2 hình 2D, tôi nghĩ cảm giác trải nghiệm sẽ cải thiện rất nhiều. Có một điểm cộng nhỏ nhưng khiến người viết rất phấn khích. Đó là trải nghiệm game có đoạn nhân vật dành những lời có cánh cho một điểm du lịch trong nước được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đặc biệt là nhạc nền xuất sắc!

Đánh giá game Monark

Sau cuối, Monark mang đến một trải nghiệm JRPG với nhiều ý tưởng độc đáo, nhưng dễ để lại cảm nhận trái chiều vì thiết kế các khía cạnh thiếu tương xứng. Nếu bạn chấp nhận được khiếm khuyết này, đây chắc chắn là cái tên vô cùng đáng cân nhắc cho thư viện game.

Monark hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4 và Nintendo Switch.

Nintendo eShop

MONARK
MONARK

Developer:
FURYU Corporation

Price:
$ 59.99

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số
 
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

XEM THÊM >>>>>>> https://tanthienlongmobile.net/

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *