Marvel’s Spider-Man Remastered – Đánh Giá Game

Marvel’s Spider-Man Remastered – Trong một vài năm trở lại đây, công cuộc cải tổ của Sony được tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực chủ chốt của hãng, trong đó bao gồm cả lĩnh vực máy chơi game vốn là “con gà đẻ trứng vàng” giúp gã khổng lồ Nhật Bản “sống khỏe” dù rất nhiều lĩnh vực truyền thống gặp phải khó khăn trong suốt thập niên vừa qua.

Mà một trong những yếu tố đáng chú ý nhất, có thể kể đến hãng không còn tiếp tục độc quyền vĩnh viễn như những tựa game trong các thế hệ máy trước đó như kiểu Killzone: Mercenary chỉ ra mắt trên nền máy PlayStation Vita hay God of War: Ascension trên hệ máy PlayStation 3, mà chuyển sang mô hình độc quyền có thời hạn.

Kết quả là rất nhiều tựa game độc quyền cho hệ máy PlayStation 4 đều “đổ bộ” lên nền tảng PC sau một vài năm, khi hệ máy này đã có phần bớt “nhiệt”, có thể kể đến sớm nhất như Detroit: Become Human lên PC từ 2019 hay Beyond: Two Souls ra mắt cùng năm.

Thậm chí gần đây, Sony đã… tậu hẳn một studio nổi danh phục vụ cho mục đích chuyển hệ là Nixxes Software và sản phẩm đầu tay của studio này sau khi về “mái nhà PlayStation Studio” chính là Marvel’s Spider-Man Remastered, một phiên bản chuyển hệ với nhiều nâng cấp của tựa game độc quyền của Insomniac Games ra mắt hồi năm 2018.

Liệu đây có phải là một siêu phẩm nữa chứng minh được thực lực của mình khi lên nền tảng PC?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Nhiều nâng cấp sáng giá!

Trong rất nhiều năm trước đây, công việc chuyển hệ không quá được các studio sản xuất game coi trọng vì thường thì ngoài những game sản xuất cho đa hệ máy ngay từ đầu, các tựa game tập trung cho một hệ máy nào đó có quy mô đủ để “lấy lại vốn” cho toàn bộ dự án từ khi phát hành, thậm chí các bản chuyển hệ này chỉ thuộc dạng “kiếm thêm” nên không được đầu tư xứng đáng.

Kết quả là có rất nhiều tựa game được chuyển hệ vô cùng thảm họa, chẳng hạn như Dark Souls khi vừa đổ bộ lên PC bị khóa tốc độ khung hình, hệ thống điều khiển thuộc loại “cùi bắp” và có độ trễ cao khiến cho phiên bản này trở nên nhạt nhòa trước phiên bản nguyên gốc ra mắt và tối ưu dành cho các hệ máy console.

Thế nhưng với một vài năm trở lại đây, việc chuyển hệ được tiến hành nghiêm túc hơn rất nhiều khi các studio phụ trách tác vụ này được thiếp cận đến mã nguồn gốc của tựa game, từ đó tạo ra các bản chuyển hệ hoàn chỉnh hơn, tương thích sâu với phần cứng máy tính mà điển hình nhất là bản chuyển hệ God of War PC vừa ra mắt gần đây.

Khác với God of War vốn được “bê nguyên xi” từ phiên bản gốc ra mắt hồi năm 2018, Marvel’s Spider-Man Remastered lại là kết quả của sự hợp tác dài hơi giữa Nixxes Software và Insomniac Games trong quá trình không ngừng vừa chuyển hệ, vừa hoàn thiện nhằm đem đến cho game thủ trên nền PC những trải nghiệm vượt trội so với phiên bản gốc.

Dễ thấy nhất là phiên bản chuyển hệ này có thể hoạt động ổn định trên hầu hết cấu hình PC mà không gặp phải bất kỳ vấn đề tương thích nào, thậm chí nếu người chơi sở hữu các màn hình tốc độ cao cũng có thể dỡ bỏ hạn chế tốc độ dựng hình (fps) để đạt được tốc độ vô cùng cao, khiến cho hành động của “nhện nhọ” khi đu mình qua các dãy nhà trong thành phố New York hoa lệ trở nên mượt mà hơn.

Spider-Man Remastered

Đó là chưa kể đến tựa game cũng sẵn sàng hỗ trợ cho các màn hình chơi game kích thước siêu dài 21:9 để đem lại trải nghiệm điện ảnh ấn tượng hơn rất nhiều so với kích thước 16:9 nguyên bản.

Điểm nhấn ấn tượng nhất chính là khả năng hỗ trợ công nghệ dò tia Ray Tracing vừa được cập nhật cho phiên bản chạy trên PlayStation 5 hồi cuối năm ngoái.

Với tính năng này, Marvel’s Spider-Man Remastered trở nên đẹp đẽ và ấn tượng hơn bao giờ hết.

Phải nói rằng tựa game gốc được thiết kế rất đẹp, nhất là khi nhà phát triển cố gắng “vắt kiệt” sức mạnh phần cứng của hệ máy PlayStation 4 nhằm mô phỏng ra một thành phố mở rộng lớn, thế nhưng phần cứng ọp ẹp của hệ máy này cũng khiến cho tựa game thậm chí bị cắt giảm ít nhiều chi tiết phản chiếu và đổ bóng so với phần trình diễn trailer để đánh đổi lấy tốc độ mượt mà trong các pha hành động.

Hậu quả là nếu không đi quá sâu vào chi tiết nhỏ, thành phố New York trong phiên bản gốc không “thật” hơn là bao so với siêu phẩm Grand Theft Auto V dù ra mắt sau đó tận 5 năm.

Nhờ vào công nghệ Ray Tracing được ứng dụng sâu sắc trong nhiều khía cạnh của game, từ phản chiếu, đến đổ bóng mà Marvel’s Spider-Man Remastered trên nền PC đem đến những khung hình thật và mãn nhãn hơn rất nhiều so với phiên bản gốc, hệt như bạn đang xem một thước phim điện ảnh vậy.

Dĩ nhiên là tính năng dựng hình với Ray Tracing cũng tạo ra gánh nặng đáng kể cho card đồ họa.

Chính vì thế mà đội ngũ kỹ sư của Nixxes Software đã phải hợp tác chặt chẽ với cả hai ông lớn ngành đồ họa là AMD và NVIDIA để đem đến hai tùy chọn tăng tốc đồ họa là AMD FidelityFX Super Resolution 2.0 và DLSS nhằm giảm tải cho phần cứng, khiến cho ngay cả các card đồ họa với khả năng mở tính răng dựng hình bằng Ray Tracing với sức mạnh tối thiểu như NVIDIA RTX 2060 hay AMD RX 6600 đều có thể hoạt động ở mức thiết lập cao với tốc độ trung bình trên 30fps.

Bỏ qua những chi tiết được chăm chút tỉ mỉ về mặt kỹ thuật góp phần tăng cường trải nghiệm cho tựa game trên nền PC, Marvel’s Spider-Man Remastered cũng sở hữu nhiều yếu tố mới mẻ.

Marvel’s Spider-Man Remastered trên nền PC đem đến những khung hình thật và mãn nhãn hơn rất nhiều so với phiên bản gốc

Nếu bạn sở hữu tay cầm DualSense của hệ máy PlayStation 5 kết nối với PC để chơi game với các thiết lập tùy chọn dành riêng cho mẫu tay cầm này thông qua Steam, bạn sẽ phát hiện ra rằng thậm chí tựa game này cũng hỗ trợ cả rung phản hồi xúc giác (haptic feedback) và cần điều khiển phản hồi ngữ cảnh (adaptive trigger) đem đến cảm giác điều khiển chân thực hơn hẳn so với phương thức sử dụng chuột và bàn phím thông thường tương tự như trên tựa game Metro Exodus, một trong số những tựa game hiếm hoi trên PC cũng hỗ trợ hai tính năng này.

Bên cạnh đó là một số yếu tố mới như mô hình nhân vật Peter Parker đã được thay đổi, hay chế độ Photo mode cũng được tăng cường sức mạnh với nhiều hiệu ứng và các mẫu quần áo (suit) mới cho người chơi tha hồ “tự sướng” khắp mọi ngóc ngách của thành phố New York.

Spider-Man Remastered

Tất nhiên, không thể bỏ qua những gì đã làm nên sức hút cho tựa game như các màn hành động đã tay, cốt truyện đầy hấp dẫn, lôi cuốn thể hiện đúng một chàng “nhện nhọ” bước ra từ cuốn truyện tranh của Marvel với đầy đủ những cung bậc cảm xúc rất “người” khi phải đối mặt với lần lượt những đối thủ vốn là những người mà cậu ta kính trọng nhất.

Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố nội dung và hình âm, bạn có thể xem thêm bài đánh giá phiên bản gốc ra mắt năm 2018.

Nhìn chung, Marvel’s Spider-Man Remastered phiên bản dành cho PC không chỉ đem đến cho game thủ những gì tốt nhất từ tựa game, mà còn hơn thế nữa khi nâng trải nghiệm của người chơi lên một tầm cao mới, ngang tầm với các tựa game AAA tiên tiến về công nghệ vừa ra mắt thị trường gần đây.

BẠN SẼ GHÉT

Spider-Man Remastered

Nặng và lỗi!

Trước khi về với “mái nhà” của PlayStation Studio, Nixxes Software cũng từng hợp tác với Sony trong một dự án khác là Horizon Zero Dawn PC nổi tiếng với độ nặng nề và lắm lỗi khi ra mắt, thế nên không lạ gì khi Marvel’s Spider-Man Remastered cũng gặp phải tình trạng tương tự, nhưng “bệnh trạng” nhẹ hơn khá nhiều.

Nếu như với Horizon Zero Dawn PC, gánh nặng phần lớn đến từ các bộ vân bề mặt (texture) độ phân giải siêu cao làm nghẽn cổ chai ổ cứng và gây ra hiện tượng nạp vân bề mặt không kịp tiến độ dựng hình thì với siêu phẩm về anh chàng “nhện nhọ”, vấn đề lại nằm ở công nghệ Ray Tracing nặng nề.

Nếu như những tựa game như Battlefield V hay Control là những tựa game đầu tiên hỗ trợ tính năng này, buộc nhà sản xuất phải xoay sở với phần cứng ọp ẹp của các card đồ họa kiến trúc Turing đời đầu bằng việc ứng dụng có chọn lọc công nghệ này theo một cách khéo léo, thì với Marvel’s Spider-Man Remastered, các kỹ sư tại Nixxes Software lại “vung tay đầy hào phóng” khi nhồi nhét hiệu ứng Ray Tracing ở khắp mọi nơi.

Đẹp và ấn tượng, nhưng hiệu ứng này cũng kéo tụt thê thảm tốc độ khung hình xuống mức khó chấp nhận, dễ nhận thấy nhất là những lúc người nhện của chúng ta đu dây qua giữa những tòa nhà kính lấp lóa ánh đèn trong cơn mưa đêm có thể kéo tụt khung hình chỉ còn một nửa so với bình thường.

Spider-Man Remastered

Kế đó, màn ra mắt của tựa game cũng gặp hàng tá lỗi kỹ thuật (bug), chẳng hạn như lỗi ném vật thể xuyên tường, lỗi đi trên không khí, lỗi nháy hình artifact, các lỗi liên quan tới dựng hình bằng Ray Tracing hay lỗi văng game khi nạp các nhiệm vụ phụ…

Tất nhiên là những lỗi này không thường hay bắt gặp, nhưng vẫn gây khó chịu nhất định trong suốt quá trình chơi dài hơi. May mắn là nhà phát triển cũng rất tích cực cập nhật sửa lỗi trong hàng loạt các bản vá ra mắt trong thời gian gần đây.

Cuối cùng, Marvel’s Spider-Man Remastered cũng gặp vấn đề khó chịu về góc quay camera như trên phiên bản gốc khi ở nhiều phân cảnh, các cây cột, vách tường che khuất tầm nhìn người chơi.

Đây là vấn đề đến từ nhà sản xuất tựa game và có lẽ sẽ còn cần thời gian để giải quyết.

Horizon Zero Dawn PC nổi tiếng với độ nặng nề và lắm lỗi khi ra mắt, thế nên không lạ gì khi Marvel’s Spider-Man Remastered cũng gặp phải tình trạng tương tự, nhưng “bệnh trạng” nhẹ hơn khá nhiều


XEM THÊM >>>>>>> https://tanthienlongmobile.net/

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *