Ghostwire: Tokyo | Đánh giá game

Ghostwire: Tokyo là game phiêu lưu hành động góc nhìn thứ nhất lấy đề tài siêu nhiêu, mang nhiều màu sắc tâm linh. Trải nghiệm game kể cho bạn nghe câu chuyện của rất nhiều người, phần lớn là những hồn ma còn vương vấn trần thế. Phủ lên đó là lớp đồ họa ấn tượng với hiệu ứng ánh sáng vô cùng đẹp mắt và sống động. Bạn có thể thấy điều đó từ những biển hiệu quảng cáo nhiều màu sắc của bối cảnh Tokyo trong game, nhất là khu giao lộ Shibuya nổi tiếng nay không một bóng người, chỉ còn kẻ thù Visitor lảng vảng.

Ghostwire: Tokyo mở đầu với vụ tai nạn giao thông và Akito là một trong số các nạn nhân. Định mệnh bắt đầu thay đổi khi một hồn ma nhập vào nhân vật chính Akito và nhận ra chàng trai này vẫn còn sống. Trong khi cả hai còn mải đấu khẩu giành thân xác, thành phố Tokyo dần chìm trong sương khói mờ nhân ảnh. Sự xuất hiện bất ngờ của vai phản diện đeo mặt nạ dẫn đến cuộc chạy đua giải cứu em gái của Akito. Cuộc phiêu lưu của người chơi bắt đầu từ đây, ban đầu còn hào hứng nhưng càng về sau càng nặng cảm giác lặp lại.

Đánh giá game Ghostwire: Tokyo

Ở góc độ người chơi, điểm trừ lớn nhất của Ghostwire: Tokyo là hệ thống chiến đấu kém hào hứng. Về cơ bản, Akito sử dụng phép thuật thông qua sức mạnh siêu nhiên của linh hồn xưng danh KK kể trên. Cụ thể là phong thuật, hỏa thuật và thủy thuật. Mỗi phép thuật được thiết kế cho tình huống chiến đấu khác nhau với số lần sử dụng có giới hạn. Chẳng hạn phong thuật có khả năng tấn công nhanh nhưng khó đánh nhanh rút gọn và chỉ có thể tấn công kẻ thù đơn lẻ. Hỏa thuật và thủy thuật thì có tầm tấn công rộng và gây sát thương nhiều hơn.

Về sau, người chơi có nhiều cơ hội nâng cấp phép thuật của Akito hiệu quả hơn nhưng không bao giờ mang đến cảm giác thỏa mãn. Cơ chế chiến đấu trong Ghostwire: Tokyo dễ gây ức chế từ nửa sau trải nghiệm do nặng tính lặp lại. Kỳ thực, điểm cộng lớn của hệ thống chiến đấu là chuyển động nhân vật ấn tượng. Đơn cử khi Akito sử dụng phong thuật trông cứ như đang thi triển tuyệt kỹ võ công Nhất Dương Chỉ của Đoàn Gia Phái vậy. Tương tự, thủy thuật không khác mấy đòn kiếm khí được triển khai từ thanh kiếm vô hình khi Akito vung tay.

Mãn nhãn nhất là hỏa thuật. Bạn có thể thấy các ngón tay uyển chuyển của Akito vận phép, ném quả cầu lửa về phía kẻ thù như bom xăng. Tuy nhiên, đó chỉ là ấn tượng ban đầu chứ càng về sau, trải nghiệm chiến đấu không tránh khỏi cảm giác vụng về với những lần vung tay vào hư không. Vấn đề ở chỗ tấn công bằng phép thuật thiếu chính xác, vì người chơi một phần mà còn do thiết kế đặc trưng. Cụ thể, các visitor thường bật ngang bật dọc những lúc trúng đòn của Akito, buộc bạn phải thường xuyên chỉnh tâm nhắm khá ức chế.

Điều này đặc biệt đúng khi nhân vật chính thường bị kẻ thù đánh hội đồng thành cuộc loạn chiến. Đã vậy, chúng di chuyển linh hoạt hơn Akito trong khi Ghostwire: Tokyo không có tính năng khóa mục tiêu. Tuy trải nghiệm game trên PlayStation 5 có trợ nhắm, nhưng không mấy hữu dụng trong trận chiến mà chủ yếu dùng để chỉ điểm vào mục tiêu gần tâm nhắm nhất, còn lại mọi sự tùy duyên do người chơi điều khiển và thao tác. Trải nghiệm bằng bàn phím và chuột trên PC cũng không khá hơn vì cảm giác điều khiển thiếu trực quan.

Đánh giá game Ghostwire: Tokyo

Chẳng hạn, đỡ đòn được gán cho nút chuột giữa trong khi sử dụng phép thuật bằng chuột trái khá chéo tay. Tấn công cận chiến lại dùng phím Q còn nút chuột phải để du dây vào lũ Tengu leo lên các tòa nhà trên cao. Mặc dù vậy, do Ghostwire: Tokyo cho phép gán lại toàn bộ nút và phím bấm trong trải nghiệm nên đây không hẳn điểm trừ của trò chơi. Chỉ có một vấn đề khi chơi bằng tay cầm là việc chuyển đổi giữa các phép thuật khá vụng về và chỉ có một chiều thông qua nút R1, không linh hoạt hai chiều dùng cuộn chuột như trải nghiệm PC.

Sự màu mè của cơ chế gameplay trong Ghostwire: Tokyo còn thể hiện ở các phân đoạn Hand Seal. Về cơ bản, đây là những lúc mà người chơi phải vẽ bùa phong ấn theo các biểu tượng được hiển thị trên màn hình. Ban đầu cũng khá vui nhưng niềm vui đó cũng mau chóng lụi tàn khi số lần Hand Seal diễn ra quá nhiều trong trải nghiệm về sau. Có lẽ biết rõ điều này nên nhà phát triển Tango Gameworks bổ sung tính năng vẽ bùa tự động ‘Leave it to KK’, nhưng vẫn khiến người viết khó tránh khỏi cảm thấy nhàm chán vì phí thời gian.

Đó là tôi còn chưa nói đến số lượng Torii Gate phải thanh tẩy nhiều bao la chỉ để mở bản đồ khám phá đến cuối trải nghiệm, cộng với số lượng linh hồn vất vưởng nơi trần gian cần người chơi phong ấn vào hình nhân giấy Katashiro để giải cứu. Những cơ chế gameplay này chỉ hào hứng ban đầu chứ càng về sau, chúng càng nặng cảm giác lặp lại nếu không nói là được thiết kế nhằm mục đích kéo dài thời lượng chơi hơn. Thậm chí, tôi còn chưa đề cập đến một số phân đoạn khi Akito mất hết linh lực và phải chiến đấu bằng cung vô cùng ức chế.

Thế nhưng, bực bội nhất là không hiếm tình huống chiến đấu mà người viết xài hết phép nhưng kẻ thù vẫn chưa bị tiễn vong. Nó liên quan đến cái gọi là Ether trong trải nghiệm Ghostwire: Tokyo. Đây là thứ vật chất phục hồi số lượt sử dụng phép thuật cho Akito. Bạn không thể sử dụng vật phẩm cho công việc này. Thay vào đó, người chơi chỉ có thể phá hủy các vật thể xâm lấn đến từ thế giới bên kia nằm rải rác trong thành phố, đổi lấy lượng Ether ít ỏi hoặc tiêu diệt visitor bằng cách giật cô hồn core của chúng tương tự ReCore.

Đánh giá game Ghostwire: Tokyo

Đáng nói, mỗi loại phép thuật sử dụng thứ vật chất Ether riêng và phân biệt bằng màu sắc. Không những vậy, số lượng Ether thu được từ những lần giật core của visitor thường hiếm khi bù đắp nổi số lượt sử dụng phép thuật để đánh bại kẻ thù, nhất là hỏa thuật vừa mạnh nhất vừa có số lần sử dụng ít nhất. Nói cách khác, nguồn Ether chính của người chơi vẫn là các vật thể xâm lấn đến từ thế giới bên kia, nhưng chúng không phải lúc nào cũng có sẵn khi bạn cần nhất. Đây là thiết kế gây ức chế nhất trong trải nghiệm Ghostwire: Tokyo.

Kỳ thực, người chơi có thể tăng số lần sử dụng các loại phép thuật thông qua thăm viếng các bức tượng Địa Tạng (Jizo) nằm rải rác ở những góc khuất khắp Tokyo. Bạn cũng có thể cúng dường thật nhiều meika để được Ghostwire: Tokyo mách bảo vị trí của những bức tượng Jizo. Thế nhưng, điều đó đồng nghĩa người chơi phải đi vào vòng lặp chiến đấu đầy ức chế nói trên trong suốt hành trình truy tìm. Đã thế, các tượng Jizo còn chia phe phái dựa trên màu sắc, mỗi lần chỉ tăng một lượt sử dụng cho phép thuật nhất định.

Nếu bỏ qua hệ thống chiến đấu, trải nghiệm Ghostwire: Tokyo vẫn vô cùng hào hứng. Đó là nhờ những nhiệm vụ phụ nhiều cảm xúc, thấm đẫm màu sắc tâm linh trong văn hóa và truyền thuyết Nhật Bản. Từ hồn ma cho tới vật thể tâm linh trong dân gian đất nước mặt trời mọc mà người chơi bắt gặp trong nhiệm vụ phụ hoặc đối mặt trong trải nghiệm. Chẳng hạn, bạn có thể đụng độ visitor thông thường như nữ sinh không đầu hay thanh niên ô dù cho tới “chị đại” Kuchisake-onna với cây kéo dài sắc lẻm, đủ khiến người chơi nam giới nào cũng phải rùng mình.

Điều thú vị là bạn không bao giờ sợ thiếu vật phẩm hồi máu và tiền trong trải nghiệm Ghostwire: Tokyo. Có chăng chỉ là những khoảnh khắc lề mề của Akito khi sử dụng vật phẩm hồi máu trong chiến đấu, dẫn đến những lần chơi lại oan uổng mà thôi. Vật phẩm hồi máu xuất hiện khắp nơi trong thế giới game, đi tới đâu cũng có vài món nằm chờ bạn lấy. Tương tự, meika cũng dễ dàng kiếm được thông qua khám phá, hoàn thành các nhiệm vụ phụ và mua ‘Dog Food’ cho các bé cún lang thang ngoài đường ăn để đổi lấy tiền thưởng từ chúng.

Đánh giá game Ghostwire: Tokyo

Người viết đặc biệt thích thiết kế thú vị liên quan đến những người bạn bốn chân nói trên, cho phép người chơi có thể dùng linh lực của Akito để đọc được suy nghĩ của các bé và vuốt ve chúng. Ngược lại, hệ thống cây kỹ năng không có gì đáng chú ý, ngoài việc một số kỹ năng giúp trải nghiệm thuận tiện hơn nhưng lại bị nhà phát triển cố tình rào chắn và làm khó người chơi. Thiết kế đi vào lòng đất này buộc bạn phải thực hiện tối thiểu ba nhiệm vụ phụ yokai hao hao nhau chỉ để mở khóa những kỹ năng hỗ trợ đó.

Đồ họa Ghostwire: Tokyo đẹp lung linh không có gì để bàn cãi, nhất là khi trò chơi hỗ trợ ray-tracing. Trên PlayStation 5, người chơi có ba lựa chọn thiết lập chính liên quan đến hiệu năng và chất lượng hình ảnh. Đầu tiên là Quality Mode có ray-tracing với tốc độ khung hình 30fps, cho chất lượng hình ảnh đẹp nhất nhưng phải hy sinh tốc độ khung hình. Performance Mode ưu tiên tốc độ khung hình 60fps nhưng hy sinh hình ảnh. Đáng chú ý là HFR Mode với nhiều thiết lập tốc độ khung hình cao ưu tiên hình ảnh hoặc hiệu năng.

Một vấn đề mà tôi không thể không đề cập là độ trễ mỗi khi di chuyển camera, gây nhiều ức chế vì tạo sự bất công trong trải nghiệm chiến đấu. Đây dường như là xu hướng của những năm gần đây vì nhiều tựa game mắc “bệnh” này khi trải nghiệm với tay cầm, từ Cyberpunk 2077 cho tới God of War bản PC đều có tình trạng khó chịu này. Trong trường hợp Ghostwire: Tokyo, người viết tìm được thiết lập để khắc phục tạm thời vấn đề này là tăng Camera Acceleration/Deceleration Speed lên 100 và Camera X/Y-Axis Sensitivity lên 35.

Bên cạnh phần nhìn lộng lẫy, khía cạnh nghe của Ghostwire: Tokyo cũng để lại nhiều dấu ấn không kém. Khâu lồng tiếng xuất sắc cho cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Nếu tôi không lầm thì các diễn viên thổi hồn tiếng Anh cho dàn nhân vật hầu hết là người châu Á. Nhạc nền cũng khá xuất sắc khi có sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc của Nhật Bản và hiện đại, mang đến âm hưởng rất đặc trưng cho trải nghiệm. Những khoảnh khắc cần tạo cảm giác ma quái được canh chỉnh nhịp độ bản nhạc chuẩn không cần chỉnh, nửa đêm nghe nhiều khi cũng nổi da gà.

Đánh giá game Ghostwire: Tokyo

Sau cuối, Ghostwire: Tokyo mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động khá độc đáo với chủ đề siêu nhiên. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là xây dựng thế giới ấn tượng và lồng vào đề tài văn hóa tâm linh của đất nước mặt trời mọc ở mọi khía cạnh. Tuy nhiên, hệ thống chiến đấu nặng tính lặp lại và kém thỏa mãn, ít nhiều làm mất đi sự hào hứng của trải nghiệm game. Mặc dù vậy, đây vẫn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc nếu bạn yêu thích sắc màu và chủ đề của trò chơi.

Ghostwire: Tokyo hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 5.

Ghostwire: Tokyo
Ghostwire: Tokyo

Developer:
Tango Gameworks

Price:
$ 59.99


Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số
 
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

XEM THÊM >>>>>>> https://tanthienlongmobile.net/

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *